Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

Ống phúc tinh mạc - Ống Nuck

1. Ống phúc tinh mạc.
Ống phúc tinh mạc (processus vaginalis - PV) là phần phúc mạc bị kéo xuống trong khi tinh hoàn di chuyển từ bụng xuống bẹn bình thường trong thời kỳ bào thai.

Lược đồ mô tả giải phẫu sau khi tinh hoàn từ bụng xuống bìu, kéo theo ống phúc tinh mạc.

Bình thường ống phúc tinh mạc sẽ đóng khi tinh hoàn xuống bìu, nếu không đóng là còn tồn tại ống phúc tinh mạc (a patent processus vaginalis -PPV). Tùy thuộc vào mức độ rộng hay hẹp của PPV mà ta có các thể bệnh lý khác nhau: Nếu ống hẹp chỉ cho dịch đi qua ta có tràn dịch màng tinh hoàn, hoặc ống rộng tạng trong bụng (ruột, mạc nối ...) có thể chui qua là thoát vị bẹn (gián tiếp).

Cũng có trường hợp ống phúc tinh mạc có đóng, nhưng không đầy đủ: Đóng đầu dưới còn hở đầu trên có thể tạo thoát vị bẹn, đóng 2 đầu ở giữa còn dịch là nang nước thừng tinh, đóng đầu trên (hoàn toàn hoặc không) còn đầu dưới có thể tạo tràn dịch màng tinh hoàn. Tranh dưới mô tả các thể thường gặp.


2. Ống Nuck
Tương tự ống phúc tinh mạc, ống Nuck được tạo ra khi phúc mạc được kéo theo khi dây chằng tròn di chuyển từ ổ bụng qua ống bẹn.
Các bệnh lý liên quan đến ống Nuck tương tự các bệnh lý ống phúc tinh mạc, bao gồm tràn dịch (bản chất là dịch ổ bụng xuống) và thoát vị bẹn (thoát vị môi lớn)
Nhìn chung tỷ lệ thoát vị bẹn ở nữ thấp hơn, xử trí cũng đơn giản hơn (do đi kèm là dây chằng tròn, còn ở nam đi kèm gồm ống dẫn tinh, động tĩnh mạch tinh ...).









Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Sự sống - sợi dây mong manh - sự sinh sôi

Với một tư duy duy ý chí rằng mình nhiều khả năng sẽ đúng, tôi sẽ viết những điều tôi nhận thấy về sự sống. Đương nhiên một nguyên nhân có thể có nhiều kết quả và ngược lại, một kết quả có thể có rất nhiều nguyên nhân nên trừ khi có những bằng chứng cụ thể, không thì hiểu biết của chúng ta vẫn chỉ là võ đoán!

1. Vũ trụ là thứ lớn nhất con người quan sát được, và nó vẫn đang lớn dần ra. Vũ trụ sinh ra từ đâu, Bigbang hay gì đó khác? và nó sẽ đi về đâu? Có gì ngoài nó? ... Những câu hỏi rất lớn nhưng về mặt bản chất có lẽ ta chưa cần trả lời ngay, chúng ta còn nhiều thời gian để tìm hiểu!

2. Sự sống trên trái đất vẫn là duy nhất, cho đến giờ theo hiểu biết của con người. Theo dòng tư duy sự sống đến từ đâu? và diễn biến của nó ra sao? Một mặt có thể nó xảy ra ngay tại trái đất, hoặc nó có thể từ nơi khác đến, nhưng theo một chiều tư duy tiến hóa, tôi vẫn cho rằng phải tồn tại một quá trình nguyên thủy, mà sự sống được bắt đầu, và rất có thể nó chỉ có trên trái đất mà thôi. Lý do rất đơn giản trên trái đất có một trình tự rất rõ ràng quá trình tiến hóa, ngược lại nếu sự sống bắt nguồn từ một nơi nào đó đến trái đất thì một là một sự ngẫu nhiên từ nhưng sinh vật cổ sinh nhất, hoặc phải là những sinh vật đỉnh của quá trình tiến hóa (ngang hoặc hơn con người).

3. Quá trình nguyên thủy của sự sống, sẽ bắt đầu từ những nhánh chung nhất của tất cả các dạng sống trên trái đất: tạm gọi là Tế bào nguyên thủy. Nhìn vào cái gốc chung này chúng ta thấy gì? Từ ngoài vào: Vỏ tế bào, nguyên sinh chất và các bào quan (gồm cả nhân - chưa có vỏ nhân rõ ràng). Từ đó nhận thấy dạng sống tương tự như chúng ta chỉ tồn tại trong một số điều kiện: 1. Phải có nước (môi trường lỏng) 2. Cần có sự tổng hợp các hợp chất hữu cơ hòa tan hoặc không hòa tan trong nước. 3. Phải có biến cố để có sự hợp nhất và phân chia chức năng giữa các thành phần của hệ thống này.

4. Tạo vỏ: Hình dung trái đất có những siêu đại dương, trong đó sau rất nhiều thời gian (vạn - triệu - tỷ năm) với hoạt động địa chất, sấm sét ... tích lũy trong lòng đại dương các hợp chất hữu cơ. Chúng ta có mô hình các giọt Coavecxa là những giọt lipid có sự ngăn cản giữa môi trường trong và ngoài giọt, có thể được tạo thành khi đủ lượng lipid, và như vậy đó có thể là mô hình đầu tiên của quá trình hình thành tế bào, khi có một lớp vỏ tách biệt được môi trường trong và ngoài!

5. Tế bào chất: Sau khi tách biệt được trong và ngoài là cả một quá trình chọn lọc nội dung bên trong là gì. Có lẽ đó là một quá trình ngẫu nhiên và lâu dài. Như ta đã biết môi trường trong tế bào đẳng trương với muối 0,9%, còn nước biển hiện giờ trung bình là 3,5% và liên tục tăng. Do đó có lẽ mốc nước biển 0,9% là mốc quan trọng với sự sống. Có thể giả thuyết những lớp vỏ trên duy trì nội dung bên trong ở mốc nước biển khoảng 0,9% và sự sống có lẽ cũng tách ra từ đó để phát triển (liệu có thể từ đây ước lượng thời gian xuất hiện sự sống?)

6. Bào quan: Sự thống nhất của các loại bào quan của các dạng sống củng cố giả thuyết tất cả dạng sống có gốc chung duy nhất, trong đó có hệ thống bào quan nguyên thủy (ADN-ARN, lưới nội sinh chất, thể golgi ...) và sự liên hệ giữa chúng. (Nhân, ty lạp thể có thể xuất hiện sau trong quá trình tiến hóa tiếp theo!) 

7. Tế bào - sự sống đầu tiên: Sự sống thể hiện bằng sự trao đổi chất và sự sinh sản. Sự trao đổi chất có thể vẫn diễn ra với tính chất vỏ lipid kép, do vậy có lẽ sự sống đầu tiên đánh dấu bằng sự sinh sản từ 1 tế bào ra hai tế bào giống nhau và giống tế bào mẹ! Khoa học hiện đại chứng minh sự sinh sản này chỉ có khi đã có sự ổn định giữa ADN-ARN, sự phiên mã và protein. Điều này thực sự khó tin nếu chỉ coi đó là một quá trình chọn lọc ngẫu nhiên.

8. Tiến hóa sinh học: sự thích nghi: Từ đây chúng ta thấy được trục tiến hóa: Đơn bào không nhân, đơn bào có nhân, đa bào: tảo, động vật, thực vật, nấm ... Mỗi nhánh lại tiến hóa dưới nước, trên cạn ... nhưng tựu chung lại yếu tố quan trọng nhất là sự thích nghi, tạo nên sinh giới trù phú như ngày nay cũng như tuyệt diệt rất rất nhiều loài trong quá khứ.

9. Con người: Là đỉnh của sự tiến hóa, con người khác các loài khác từ sự cải tạo tự nhiên, dần đến sự giao tiếp với các ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết, body ...) tạo lên môi trường xã hội. Sự giao tiếp xã hội cùng sự cải tạo tự nhiên giúp con người vượt trên mọi loài khác, có khả năng tư duy và tạo vật chất phục vụ con người. Đến mức độ bây giờ lại quay về tìm hiểu những gì đã diễn ra với sự sống, tìm kiếm trong vũ trụ và tiên đoán những gì sẽ xảy ra trong tương lai.

10. Dạng sống duy nhất: con người và vạn vật trên trái đất vẫn đơn độc là những dạng sống duy nhất, dù rằng vẫn hy vọng sẽ tìm thấy sự sống khác trong vũ trụ trong tương lai. Nhìn vào vũ trụ bao la, ta nên có hy vọng, nhưng nhìn lại kỳ tích của tạo hóa, rõ ràng xác suất quá thấp. Công cuộc tìm những hành tinh có điều kiện có nước dạng lỏng như trái đất đã khó như mò kim đáy bể, trong đó lại cần có đủ các điều kiện để hình thành sự sống e rằng không dễ. Do vậy tôi tin rằng trong tương lai gần vài trăm năm nữa chúng ta vẫn là dạng sống duy nhất mà thôi! 

11. Ý nghĩa của sự sống: Trước con người, chả có loài nào có thể hỏi câu hỏi như vậy. Đôi khi tôi tự hỏi những động vật quanh mình có thể suy nghĩ không? Chắc chắn có, nhưng chỉ đơn giản sống là để tồn tại, giải quyết nhu cầu ăn và sinh sản. Với tôi, ý nghĩa của sự sống có lẽ là để nhận thức được sự sống đẹp đến vậy, và cũng để bảo tồn sự sống. Không chỉ với loài người, loài nào cũng cần sinh sản duy trì nòi giống, nhưng con người với những tiến bộ của mình, cần tiên lượng được những tai họa có thể xảy ra với trái đất, và có thể, sẽ cần cải tạo thêm các môi trường sống khác trong vũ trụ. Nói cách khác, có thể trách nhiệm của con người là gieo sự sống trong vũ trụ. Nhìn lại từng bước sự sống chinh phục: môi trường nước, rồi môi trường cạn, ở trái đất, rồi đặt chân lên mặt trăng ... rõ ràng
ý nghĩa của sự sống là sự sinh sôi! 

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

Tổng quan - hay sự mò mẫm của trang giấy trắng

Kết thúc đời sinh viên mơ mộng, và theo ngôn ngữ các thầy chỉ cần không mù và điếc là học được- chỉ cần điểm là đủ, chuyển sang một mức hoàn toàn mới: học để làm việc!

Chọn ngoại đơn giản vì lý do hơi tiêu cực một chút, nhưng thực tế là dân trí của ta vẫn thấp. Nội- nhi rất hay, cần nhiều trí tuệ, nhưng đơn giản là ít người hiểu được cái tâm của bác sĩ. Dân trí tù mù tin tưởng vào những thứ đâu đâu, cộng với sự loạn của đủ các loại thuốc tây ta tàu, của đủ các loại thông tin chưa đầy đủ, không kiểm chứng. Nhìn chung với các bệnh nội khoa là khó từ tiếp cận đến tận việc tuân thủ điều trị. Và xong rồi do tây ta tàu kết hợp cúng bái cũng chẳng rõ ông nào chữa được bệnh. Ngược lại ngoại thiên về chân tay hơn, nhưng mọi cái có vẻ rõ ràng, sáng sủa hơn.

Bắt tay vào học, vỡ ra được nhiều cái. Trong đầu chỉ là một mớ lý thuyết, rất trơn tru, rõ ràng và đại cương. Lúc bắt đầu vào phòng mổ, thầy phán đúng là một tờ giấy trắng! Nhận ra rằng con đường ngoại khoa cũng nhiều chông gai. Mục tiêu gần là học tiểu phẫu, lại quay lại học các thể loại bệnh học một cách mới mẻ hơn: học các thể loại bệnh mình gặp phải, điều trị trước và sau mổ. Nhìn chung là cũng hay ho!

Sắp tới sẽ có nhiều khó khăn, đơn giản vì mình chẳng khác trang giấy trắng ^^. Buổi rỗi rãi cuối cùng trước khi bắt tay vào những con đường mới, tự hứa mỗi ngày nếu không trực sẽ mò mẫm một bệnh học mới mà mình gặp thực tế, hoặc học lý thuyết xong. Biết là khó nhưng sẽ cố gắng duy trì ^^